Chứng động kinh Đông y gọi chứng bệnh Giản là chứng trạng bệnh lý của thần khí, bệnh xảy ra đột ngột, khi lên cơn choáng ngất, hôn mê bất tỉnh nhân sự mắt trực thị (trợn ngược) sùi bọt mép sau đó tự khỏi mọi hoạt động trở lại bình thường.
Nguyên nhân của chứng giản có 2 nguyên nhân chính. Do tiên thiên bất túc; do di truyền hoặc do bố mẹ cảm nhiễm bệnh tà trong khi thai nghén; do quá trình sinh đẻ không bình thường ảnh hưởng tới thai nhi...
Cây và vị thuốc thiên ma có tác dụng trấn kinh, chống co giật.
Do hậu thiên: Các nguyên nhân làm thương tổn đến can, thận làm cho hỏa của can dấy lên, can phong nội động, thủy không chế được hỏa, hỏa phối hợp với đàm làm che lấp các khiếu và kinh lạc mà gây nên.
Dưới đây xin giới thiệu bài thuốc Đông y trị bệnh để bạn đọc tham khảo
Triệu chứng:
Đột ngột lên cơn choáng ngã lăn bất tỉnh nhân sự, sùi bọt mép tay chân co quắp, thở đều; người trưởng thành có thể tìm chỗ trước khi ngất.
Sau khoảng 5 - 10 phút bệnh nhân lại hồi phục mọi sinh hoạt trở lại bình thường.
Phương pháp điều trị: Tư bổ can thận an thần, hóa đàm.
Bài thuốc:Định giản hoàn gia giảm gồm: thiên ma 50g, xuyên bối mẫu 50g, trần bì 50g, phục thần 80g, viễn chí 50g, thần sa 50g, bạch cương tàm 100g, đan sâm 100g, mạch môn 100g, bán hạ chế 100g, thạch xương bồ 100g, trúc lịch 100ml, khương trấp 20ml. Trúc lịch, khương trấp, cam thảo nấu cao. Các vị còn lại (trừ thần sa) sao vàng tán bột, mật và cao cam thảo khương trấp, trúc lịch hoàn viên, thần sa làm áo vừa đủ; Phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp (50-70oC).
Ngày uống 30g, chia đều 4 phần ngày 3 lần tối 1 lần. Uống với nước chín.
Châm cứu: Châm tả các huyệt: phong trì, giản sử, phong long, giải khê, trung quản.
Châm bổ các huyệt: tâm du, can du, thần môn, nội quan, túc tam lý.
Phòng bệnh: Luôn giữ cho tinh thần thanh thản; Ăn đủ chất dinh dưỡng; Kiêng không uống rượu, bia, không ăn những thức ăn cay nóng, không uống nước chè; Tránh xa các vật sắc nhọn, các khu vực gần sông nước ao hồ, bếp lửa đề phòng sang chấn, chết đuối hoặc bỏng; Luôn gần gũi theo dõi các diễn biến khác của người bệnh để tìm nguyên nhân điều trị.
TTND.BS. Trần Văn Bản